Đối với riêng Tập đoàn Hoa Sen, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014, doanh nghiệp này giảm 2,6% thị phần do tôn giả, tôn nhái. Việc giảm thị phần này tương đương với việc Hoa Sen bị mất sản lượng gần 45.000 tấn trong năm 2014 và lãi gộp bị mất 118 tỷ đồng.

“Chúng tôi cần một môi trường làm ăn đàng hoàng, cạnh tranh lành mạnh”
Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT của CTCP Tập đoàn Hoa Sen đã phát biểu như vậy khi nói về tình trạng tôn nhái, tôn giả tràn ngập thị trường trong Hội thảo “Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép: Nhận diện và Quản lý” tổ chức ngày 26/11.
Vấn nạn tôn nhái, tôn giả xuất hiện trên diện rộng
Theo ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện tượng tôn nhái, tôn giả đã xuất hiện trên diện rộng từ Thanh Hóa, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên và ngay tại Hà Nội. 
Hàng giả, hàng nhái biểu hiện rất đa dạng như in nhãn mác giả, lấy cắp thương hiệu của các nhà sản xuất có uy tín để in lên hàng giả, hàng kém chất lượng; Bán hàng không đúng quy định về quy cách, kích thước, chất lượng, đặc biệt là độ dày của tôn. Một hình thức khác là nhập hàng Trung Quốc kém chất lượng rồi in nhãn mác, thương hiệu của các doanh nghiệp uy tín của Việt Nam để tiêu thụ.
Về hình thức, không dễ để phân biệt hàng giả với hàng thật, nhưng khi đưa vào sử dụng sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Đặc biệt, đối với mặt hàng tôn thép mạ và phủ màu, quan sát bằng mắt thường,  may ra người tiêu dùng có thể xác định được màu sắc bề ngoài, còn rất khó xác định chất lượng như độ dày của tôn, chất lượng mạ, phủ. Để xác định được chính xác các tính chất này phải có thiết bị chuyên dụng và trình độ chuyên môn. Trong khi đó, đại đa số người tiêu dùng chưa nắm được luật pháp về chất lượng, in mẫu mã và chưa ý thức được quyền lợi của người tiêu dùng.
Ông Lê Thế Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết nguyên nhân dẫn đến sự gian lận trong kinh doanh tôn, thép là do nhiều loại thép gia công dùng phôi đúc sắt, nguyên liệu từ sắt thép phế liệu có khả năng chịu lực kém.
Bên cạnh đó, nhiều chủ cửa hàng lợi dụng sự dễ tính và thiếu hiểu biết của khách hàng để bán hàng giả giá thấp. Khi người tiêu dùng phát hiện, khiếu kiện thì đòi thêm tiền hoặc ép chịu chi phí đổi hàng mới được đổi lại hàng thật.
Đặc biệt, do nhu cầu trong xây dựng đôi khi không cần đến các loại thép chất lượng cao, giá đắt mà chủ đầu tư chỉ quan tâm đến những mặt hàng có chất lượng "vừa phải" và giá cả vừa túi tiền.
Ngoài ra, một nguyên nhân không thể không nói đến là việc trên thị trường sắt thép, không có cơ quan quản lý nào chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát chất lượng với số lượng thép lớn do gia đình, làng nghề tung ra thị trường hàng năm.
Mỗi mét tôn, người tiêu dùng bị móc túi 4.000 – 6.000 đồng
Ông Lê Phước Vũ cho biết, theo ước tính của Tôn Hoa Sen, mỗi mét tôn giả, người tiêu dùng sẽ bị móc túi 4.000 – 6.000 đồng. Với một ước tính thận trọng, khoảng 20% thị phần trên thị trường tôn thép năm 2014 là hàng giả, hàng nhái tương đương 346.000 tấn, tính ra mét là gần 99 triệu mét tôn, thì số tiền thiệt hại ít nhất là 394 tỷ đồng. Con số không nhỏ này cho thấy sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người tiêu dùng cuối cùng.
Đối với riêng Tập đoàn Hoa Sen, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2014, doanh nghiệp này giảm 2,6% thị phần do tôn giả, tôn nhái. Việc giảm thị phần này tương đương với việc Hoa Sen bị mất sản lượng gần 45.000 tấn trong năm 2014 và lãi gộp bị mất 118 tỷ đồng.
Còn đối với toàn ngành tôn thép trong nước, thiệt hại gây ra là khoảng 906 tỷ đồng. Như vậy, chỉ với nạn hàng giả trong ngành tôn, tổng thiệt hại cho nền kinh tế bao gồm thiệt hại của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng ước tính khoảng 1.300 tỷ, chưa kể đến thiệt hại cho ngân sách nhà nước khi người bán tôn không xuất hóa đơn cho người mua trực tiếp, sau đó bán khống hóa đơn này để đáp ứng cho những doanh nghiệp kê khai chi phí đầu vào.
Chia sẻ với chúng tôi tại đây, đại diện công ty Tonmat (sản xuất tôn 3 lớp cách âm cách nhiệt) cho biết đã 8 năm nay, công ty phải đối mặt với việc sản phẩm Tonmat bị làm nhái khi các cơ sở kém uy tín sử dụng hình ảnh, tên nhãn hiệu tương tự để in lên các sản phẩm không đảm bảo. Ví dụ, công ty sử dụng tôn nền của VNSteel hay tôn Phương Nam để sản xuất nhưng các cơ sở làm nhái sử dụng tôn nền kém chất lượng để có thể giảm giá thành.
Tonmat đã từng phải đâm đơn kiện lên tòa án và gửi công văn kiến nghị đối với các đơn vị làm giả, làm nhái nhãn hiệu Tonmat.
Dù vậy, các doanh nghiệp cũng phải thừa nhận rằng, một mình doanh nghiệp không thể đấu lại với hàng trăm hàng nghìn cơ sở làm nhái, làm giả ở khắp mọi nơi. Các giải pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước mới có thể giải quyết dứt điểm vấn nạn này và đem lại một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh như đại diện các doanh nghiệp là ông Lê Phước Vũ bày tỏ.
 Theo Infonet

Đăng nhận xét

 
Top